BP và Shell “chia tay” Nga
Sức mạnh tài chính của các công ty dầu khí chưa bao giờ lên cao như thế này trong nhiều thập kỷ qua. Họ cũng chưa bao giờ dễ bị tổn thương về mặt chính trị như hiện tại.
Quyết định của BP (BP) vào cuối tuần này về vấn đề thoái vốn khỏi công ty năng lượng Nga Rosneft với mức thua lỗ lớn là bằng chứng cho thấy yếu tố chính trị đã trở nên căng thẳng đến thế nào đối với các hoạt động sản xuất dầu khí. Việc họ bán đi cổ phần sở hữu tại các công ty Nga ở thời điểm hiện nay cũng đồng nghĩa với việc rao bán ở một thị trường vốn đã cạn kiệt khi có quá ít người mua. Riêng BP có thể thua lỗ tới 25 tỷ USD.
Công ty dầu khí Equinor của Na Uy (EQNR) cũng cho biết họ sẽ bắt đầu rút lui khỏi các liên doanh của Nga. Trên thị trường chứng khoán quốc tế, cổ phiếu BP đã giảm 6,8% vào hôm thứ Hai, trong khi đó Equinor lại tăng 0,9%. Giá dầu cũng đang tăng, cụ thể là giá dầu Brent tương lai tăng 2% lên 100 USD/thùng.
Giữa trưa ngày thứ Hai, công ty Shell (SHEL) cũng thông báo rằng họ sẽ chấm dứt quan hệ đối tác với Gazprom, mà điều này có khả năng khiến công ty suy giảm giá trị tài sản khoảng 3 tỷ USD. “Chúng tôi rất sốc trước những thiệt hại về người ở Ukraina, đây là điều mà chúng tôi rất đau xót, mà nguyên nhân là do một hành động xâm lược quân sự vô nghĩa đe dọa đến an ninh ở châu Âu,” CEO Ben van Beurden của Shell cho biết trong một tuyên bố. “Quyết định thoái vốn của chúng tôi là điều mà chúng tôi không hối tiếc.”
Shell vốn có lợi ích kinh tế rất quan trọng ở công ty này khi nắm giữ 27,5% cổ phần của Sakhalin-2, một dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đa diện mà công ty cho biết cung cấp khoảng 4% LNG của thế giới.
Hai doanh nghiệp trên không phải là những công ty năng lượng duy nhất có mối làm ăn với Nga và có thể phải đối mặt với áp lực trong những ngày tháng tới.
Exxon Mobil (XOM) cũng sở hữu 30% cổ phần trong một dự án dầu khí ngoài khơi mang tên Sakhalin-1, được gọi là “một trong những khoản đầu tư quốc tế đơn lẻ, trực tiếp lớn nhất vào Nga”. Exxon ký hợp đồng lần đầu tiên vào năm 1995. Công ty này đã không trả lời khi được yêu cầu bình luận.
Chevron (CVX) cũng có một số hoạt động kinh doanh liên quan đến Nga thông qua lượng cổ phần nắm giữ trong đường ống dẫn dầu thô từ Kazakhstan đến Biển Đen. CEO Mike Wirth của Chevron chia sẻ với tờ báo Bloomberg vào hôm thứ Hai rằng công ty này không nhận thấy bất kỳ “tác động nào” và “chúng tôi thực sự không có dính líu làm ăn gì nhiều ở Ukraina hoặc ở Nga.”
Công ty dịch vụ dầu mỏ Schlumberger (SLB) cũng có tổ chức hoạt động tại Nga và đã từng đề cập về quốc gia này trong các cuộc họp hội nghị trong vài năm qua. Họ đã không trả lời khi được yêu cầu bình luận về hoạt động kinh doanh tại đó.
Không phải hoạt động kinh doanh nào có liên quan tới Nga cũng đều ảnh hưởng lớn đối với các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ. Trong một bản tin ghi nhận về các công ty có quan hệ kinh doanh với nước Nga, các nhà phân tích của J.P. Morgan đã không đề cập đến Chevron, và nhận định rằng Schlumberger, Shell và Exxon có mức tiếp xúc “khiêm tốn” hơn so với BP.
Các công ty của Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với áp lực chuyển dịch tài sản, nhưng họ không có mối quan hệ với cấp chính phủ giống như nhiều công ty châu Âu. Chẳng hạn, Equinor là công ty do chính phủ Na Uy sở hữu đến 67%. Các công ty có quan hệ cấp chính phủ có nhiều khả năng phải đối mặt với áp lực chính trị hơn.
Các nhà phân tích của J.P. Morgan đã chỉ điểm ra một số ít các công ty năng lượng châu Âu khác có hoạt động ở Nga. Những tên tuổi dầu khí có mức độ tiếp xúc đáng kể với Nga gồm có công ty OMV (OMVKY) của Áo và công ty Wintershall DEA của Đức, thuộc sở hữu một phần của BASF (BASFY).
“OMV có một đội xử lý khủng hoảng có chức năng liên tục phân tích và đánh giá tình hình để có thể đưa ra các biện pháp thích hợp nếu cần thiết,” người phát ngôn công ty viết. “Vui lòng thông cảm rằng chúng tôi không thể bình luận gì thêm vào lúc này.”
Một phát ngôn viên của Wintershall cho biết, “Hội đồng quản trị của chúng tôi đã phân tích tình hình kỹ lưỡng, bao gồm cả các tác động pháp lý.”
Nhà phân tích Helima Croft của RBC Capital Markets nhận xét rằng áp lực chính trị đang gia tăng đối với các công ty có hoạt động kinh doanh ở Nga và các lệnh trừng phạt mới nhất có thể chưa phải là những lệnh chế tài cuối cùng. Chính phủ Ukraina đã hành động rất hiệu quả trong việc gây áp lực buộc các công ty và các quốc gia phải rút khỏi Nga, mà theo lời Ngoại trưởng Dmytro Kuleba thì “mỗi đồng rúp của Nga đều có dấu máu của Ukraina”.
“Những công ty này sẽ phải đối mặt với áp lực chính trị rất lớn, bởi vì các quan chức lãnh đạo của Ukraina đã rất hiệu quả và quá mạnh mẽ trong việc đưa ra những lời kêu gọi cộng đồng quốc tế thoái vốn khỏi Nga,” cô Croft nói. “Động thái này đang biến thành một phong trào thoái vốn hàng loạt”.
Website được phát triển bởi CÔNG TY TNHH MTV PIPSCOLLECTOR và là chuyên trang phi lợi nhuận dành cho mọi nhà đầu tư Việt.
© 2023, All rights reserved.
Địa chỉ: Văn phòng 2, Tầng 8, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam