25/04/2022 - 3 lượt xem

Chuyển động thế giới 25/04/2022

Mở đầu chùm tin chuyển động thế giới tuần này là những tín hiệu khả quan từ dịch bệnh.


Tình hình dịch COVID-19 ở châu Á đang có những dấu hiệu hạ nhiệt, tạo điều kiện cho các nước trong khu vực thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại đất nước và sống chung an toàn với đại dịch.


Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore và Thái Lan đã dỡ bỏ quy định xét nghiệm COVID-19, chuyển trọng tâm vào chứng nhận tiêm vaccine của du khách. Cụ thể, từ ngày mai 26/4, du khách tới Singapore sẽ không phải xét nghiệm COVID-19 trước khi khởi hành, trong khi Thái Lan cũng bỏ quy định xét nghiệm với những du khách đã tiêm vaccine từ ngày 1/5 tới. Tuy nhiên, du khách tới Thái Lan vẫn phải có giấy chứng nhận tiêm chủng và chứng nhận bảo hiểm có hạn mức chi trả tối thiểu 10.000 USD, giảm một nửa so với mức 20.000 USD trước đó.


Thêm vào đó, tính đến ngày 24/4, số các quốc gia chưa ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19 đã giảm xuống còn 5 nước, bao gồm một số nước ở Thái Bình Dương và một nước ở khu vực Nam Á, những quốc gia có vị trí địa lý xa xôi và ít du khách lui tới. Ngoài ra, đảo St. Helena (vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở phía Nam Đại Tây Dương), đảo Falklands/Malvinas (đảo tranh chấp giữa Argentina và Anh nằm ở Nam Đại Tây Dương), và Vatican cũng chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào.


Tuy nhiên, khi nhiều nơi trên thế giới đang trở lại cuộc sống bình thường thì, trong 2 ngày cuối tuần qua, tình hình dịch bệnh tại Bắc Kinh, lại tiếp tục căng thẳng khi liên tục ghi nhân ca nhiễm mới. Nhằm tránh xảy ra tình trạng mua sắm hỗn loạn và thiếu thực phẩm, các công ty thương mại điện tử kinh doanh thực phẩm tươi sống của Bắc Kinh đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp để phân bổ và tăng nguồn cung hàng hóa, bao gồm thịt, gia cầm, trứng, sữa, trái cây tươi và rau quả.


Sáng ngày hôm nay theo giờ Việt Nam, cuộc bầu cử tại Pháp đã có kết quả, với trên 58% phiếu bầu, ông Emmanuel Macron, 44 tuổi, đã giành thắng lợi trong “trận lượt về” trước đối thủ Marine Le Pen, gia nhập nhóm rất ít các tổng thống của Đệ ngũ Cộng hòa Pháp đắc cử nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, ông chủ Điện Elysee không có nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui chiến thắng bởi 5 năm tới được cho là sẽ không phải là một nhiệm kỳ dễ dàng khi ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trên cả phương diện đối nội và đối ngoại.


Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trải qua nhiệm kỳ đầu “đầy vất vả”, với những thử thách không thể gai góc hơn như phong trào “Áo vàng”, vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Ukraine… Bất chấp những thành tích đã đạt được, nhiều kế hoạch cải cách vẫn bị bỏ dở hoặc đơn giản là không được thực hiện. Cải thiện sức mua cho các hộ gia đình trong thời buổi giá cả hàng hóa, nhiên liệu tăng vọt và viễn cảnh kinh tế khó khăn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của người dân Pháp.


Trên mặt trận đối ngoại, trong bối cảnh Pháp sẽ kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 6 tới, ông Macron cũng đối mặt thách thức đoàn kết 27 thành viên trong khối trong nhiều vấn đề, đồng thời phải tập trung vào lợi ích sát sườn tại châu Âu, mà quan hệ với Nga và trong NATO sẽ được đặt lên hàng đầu.


Trong bối cảnh, căng thẳng tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, các quốc gia trên thế giới lại tiếp tục gia tăng áp lực trừng phạt lên Nga. Sau khi Nga mở chiến dich quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2, Liên minh châu Âu EU, Mỹ và Anh cùng một số quốc gia khác đã tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể của Nga. Trong một diễn biến liên quan, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell ngày 24/4 cho biết, hiện các quốc gia thành viên vẫn chưa nhất trí được về một lệnh cấm vận hoàn toàn hoặc áp thuế trừng phạt đối với dầu và khí đốt nhập khẩu từ Nga.


Theo giới chức Bộ Ngoại giao Nga, nước này đã bắt đầu thực hiện các biện pháp từ trước để giảm thiểu rủi ro liên quan lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt, điều mà Moskva cho là gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.


Căng thẳng hiện nay cũng gây sức ép lên nhiều nên kinh tế, dễ thấy nhất là tình trạng Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ mới đây. Ngày 23/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết đã có “các cuộc thảo luận kỹ thuật hiệu quả” với Sri Lanka về khoản vay khẩn cấp trị giá 10 triệu USD để đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.


Theo Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka, cùng với khoản vay của IMF và hỗ trợ của WB, Sri Lanka cũng đang thảo luận với Ấn Độ về khoản tài trợ bắc cầu 1,5 tỷ USD để giúp nước này tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.


Không bỏ lỡ bài viết hay mỗi tuần!

Để lại thông tin, Tạp chí Trading sẽ cập nhật cho bạn các bài viết tương tự nhanh nhất qua email!

Website được phát triển bởi CÔNG TY TNHH MTV PIPSCOLLECTOR và là chuyên trang phi lợi nhuận dành cho mọi nhà đầu tư Việt.

© 2023, All rights reserved.

Địa chỉ: Văn phòng 2, Tầng 8, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Follow Us

Email:tapchitrading.app@gmail.com

Được bảo trợ bởi:

Example Image
DMCA.com Protection Status