Đầu tư chứng khoán 1 ăn 10: giá như đã mua Amazon từ năm 2015?
Gã khổng lồ công nghệ Amazon vốn là một cổ phiếu tăng trưởng lên đến ba chữ số trong suốt bảy năm qua.
- Cổ phiếu Amazon đã tăng gần 1.000% kể từ đầu năm 2015.
- AWS đã mở màn cho làn sóng tăng trưởng thứ hai của công ty này.
- Amazon có thể sẽ không tái lập được kỳ tích tăng trưởng vượt bậc đó trong bảy năm tới, nhưng đây vẫn là một kênh đầu tư tài chính an toàn và bền vững.
Amazon (NASDAQ:AMZN) đã tạo ra khoản lãi vốn khổng lồ lên đến hàng trăm phần trăm kể từ khi phát hành cổ phiếu công khai lần đầu (IPO) vào ngày 15/05/1997. Cổ phiếu này được chào bán với giá 18 USD hoặc theo mức giá đã điều chỉnh chia tách là 1,5 USD/cổ phiếu. Nếu ai từng đầu tư 5 triệu đồng vào đợt IPO đó, cổ phần của họ hiện nay sẽ trị giá gần 11,4 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư chứng khoán có lẽ cũng đang tự trách mình vì đã bỏ lỡ mất cơ hội đổi đời có một không hai như vậy, nhưng Amazon cũng đã mang lại mức lãi vốn lên đến ba chữ số cho những người mua cổ phiếu này dọc theo dòng thời gian kể từ khi họ chiếm thế thống trị tuyệt đối trên thị trường thương mại điện tử. Trên thực tế, nếu bạn đầu tư 5 triệu đồng vào Amazon vào ngày giao dịch đầu tiên của năm 2015 thì hiện nay số tiền đó sẽ tăng lên khoảng 55 triệu đồng.
Bài viết sau sẽ giải thích lý do tại sao Amazon lại có tốc độ tăng trưởng vượt bậc như vậy trong bảy năm qua và liệu đà tăng trưởng đó có tiếp tục trong tương lai hay không.
Diễn biến năm 2015
Năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt đối với Amazon vì công ty này cuối cùng đã bắt đầu đạt kết quả bứt phá về doanh thu và lợi nhuận hoạt động trong mảng Amazon Web Services (AWS) qua kỳ báo cáo tài chính hàng quý.
Amazon tung ra phiên bản AWS đầu tiên vào năm 2002, nhưng giới đầu tư vào thời điểm đó không biết tốc độ phát triển của nền tảng cơ sở hạ tầng đám mây này thực sự nhanh chậm như thế nào hoặc liệu phân khúc này có mang lại lợi nhuận hay không. Trước hai mối nghi hoặc đó, Amazon đã đáp lại bằng kết quả kinh doanh trong quý đầu tiên của năm 2015. Cụ thể, AWS tăng trưởng doanh thu cao hàng chục phần trăm, với tỷ suất lợi nhuận hoạt động cao hơn nhiều so với mảng kinh doanh thương mại điện tử.
Với kết quả trên, chiến lược dài hạn của Amazon đã trở nên rõ ràng hơn. Họ có thể hỗ trợ cho việc mở rộng kinh doanh mảng bán lẻ, vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với một mảng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn như điện toán đám mây. Mô hình kinh doanh này cho phép Amazon bành trướng phân khúc bán lẻ bằng cách tung ra các đặc quyền mới cho khách hàng thành viên Prime, bán thiết bị phần cứng giá rẻ, mở các cửa hàng vật lý mới và theo đuổi các chiến lược “bán lỗ để kéo khách” nhằm thu hút nhiều người mua sắm hơn vào hệ sinh thái của họ.
Đó là lý do tại sao Amazon tích cực triển khai loa Echo trên khắp nước Mỹ vào năm 2015, lý do tại sao họ mua Whole Foods Market vào năm 2017 và lý do tại sao họ tiếp tục tung ra các thiết bị phần cứng mới và tài trợ phát triển nội dung phát trực tuyến và trò chơi điện tử mới cho các thành viên Prime.
Từ năm 2015 đến năm 2020, doanh thu hàng năm của AWS đã tăng từ 7,9 tỷ USD lên 45,4 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 41,9%. Trong 5 năm đó, thu nhập hoạt động hàng năm của phân khúc này đã tăng từ 1,9 tỷ USD lên 13,5 tỷ USD, tương ứng với tốc độ CAGR là 48,9%.
Theo Canalys, AWS kiểm soát đến 32% thị trường cơ sở hạ tầng đám mây trên toàn cầu trong quý 3 năm 2021. Azure của Microsoft đứng ở vị trí thứ hai với 21% thị phần, trong khi đó tất cả các đối thủ khác đều chiếm tỷ trọng chỉ ở mức một chữ số trong một thị trường đang không ngừng phát triển như thế này.
AWS đóng góp đến 59% lợi nhuận hoạt động của Amazon vào năm 2020, so với 41% lợi nhuận hoạt động vào hồi năm 2015. Sức ảnh hưởng tổng thể của AWS đối với doanh thu, lợi nhuận hoạt động và thu nhập ròng của Amazon là rất rõ ràng:
Nếu không có AWS, Amazon có lẽ sẽ không thể liên tục bán các sản phẩm của mình với giá thấp hoặc mở rộng hệ sinh thái Prime để thu hút hơn 200 triệu thành viên có trả phí trên toàn thế giới.
Nói một cách đơn giản, đó chính là “nồi cơm” của Amazon và mang lại cho họ một lợi thế vượt trội so với các nhà bán lẻ khác. Đó có lẽ là lý do tại sao tỷ phú Jeff Bezos chọn Andy Jassy, CEO của AWS vào thời điểm đó, làm người kế nhiệm vào đầu năm 2021.
Nhưng liệu Amazon có duy trì được đà tăng trưởng?
Bảy năm qua là một bước ngoặt lớn đối với Amazon, nhưng cổ phiếu của công ty này chỉ tăng khoảng 4% trong 12 tháng qua trên thị trường chứng khoán Mỹ do giới đầu tư tỏ ra lo ngại về tình hình giảm tốc tốc độ tăng trưởng ở mảng bán lẻ của Amazon trong một thế giới hậu đại dịch. Việc Amazon cam kết tăng cường đầu tư vào các dự án mới ở mảng truyền thông kỹ thuật số cũng làm dấy lên lo ngại về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của họ trong ngắn hạn.
Với mức vốn hóa thị trường đã lên đến 1,7 nghìn tỷ USD, sẽ rất khó để Amazon có thể tái lập thành quả tăng trưởng hàng trăm phần trăm như trong bảy năm qua. Tuy nói vậy, nhưng có những nhà phân tích vẫn tin rằng Amazon có thể tăng gấp đôi giá trị trong vài năm tới khi AWS tiếp tục phát triển và thu hút nhiều mối làm ăn kinh doanh hơn. Và tiến trình bành trướng đó sẽ thúc đẩy hệ sinh thái bán lẻ và Prime tăng trưởng liên tục. Nói cách khác, Amazon vẫn là một kênh đầu tư an toàn vững chắc cho các nhà đầu tư dài hạn.
Website được phát triển bởi CÔNG TY TNHH MTV PIPSCOLLECTOR và là chuyên trang phi lợi nhuận dành cho mọi nhà đầu tư Việt.
© 2023, All rights reserved.
Địa chỉ: Văn phòng 2, Tầng 8, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam