Lựa chọn đầu tư thông minh hơn: cổ phiếu AMD hay Intel?
Hai ông lớn bán dẫn này đang so sánh với nhau như thế nào, và cổ phiếu nào có thể là lựa chọn tốt hơn cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại?
Cạnh tranh giữa Intel (INTC) và Advanced Micro Devices (AMD) đã tồn tại gần như lâu đời bằng chính ngành công nghiệp bán dẫn. Là công ty lớn hơn, Intel đã dẫn đầu trong phần lớn thời gian đó.
Tuy nhiên, kể từ khi Lisa Su đảm nhận vị trí CEO tại AMD vào năm 2014, cổ phiếu AMD đã hồi sinh trở lại từ một cổ phiếu penny, mang lại lợi nhuận gần 30 lần trong nhiệm kỳ của bà. Trong khi đó, cổ phiếu Intel đã chững lại trong vài năm qua. Tuy nhiên, Intel cũng đã bắt đầu giai đoạn hồi sinh của riêng mình. Tình hình hiện tại đang đặt ra cho nhà đầu tư câu hỏi liệu có phải đã đến lúc cân nhắc mua Intel, hay cổ phiếu AMD vẫn là khoản đầu tư tốt hơn? Hãy cùng nghiên cứu câu trả lời.
Trường hợp của AMD
Khi Su trở thành CEO của AMD, sự suy yếu của thị trường PC đã khiến AMD suy tàn. Với một cổ phiếu bắt đầu được giao dịch ở mức giá thấp hơn 5 USD, nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ công ty thiết kế chip này.
Tuy nhiên, Su đã thay đổi trọng tâm của AMD, tập trung vào máy tính hiệu năng cao. Bà cũng đặt ra cho công ty kế hoạch bắt kịp Nvidia và vượt qua Intel. Do đó, AMD đã thách thức Nvidia trong nhiều lĩnh vực và phát hành chip 7nm đầu tiên vào năm 2019, một kỳ tích mà Intel vẫn chưa làm được.
Hiện nay, phân khúc chip doanh nghiệp, chip nhúng và bán tùy chỉnh (EESC) đã trở thành động lực tăng trưởng chính của AMD. Phân khúc này bao gồm các CPU EPYC, các chip máy chủ doanh nghiệp và chip cho máy chơi game. Phân khúc máy tính và đồ họa bao gồm GPU Ryzen và Radeon, CPU máy tính xách tay và máy tính để bàn cũng như chip trung tâm dữ liệu. Ngoài ra, với việc hoàn tất mua lại Xilinx, AMD đã có được một phân khúc tập trung vào thị trường siêu máy tính.
Các phân khúc chính vẫn tăng trưởng với tốc độ ấn tượng. Trong Q1, AMD đã báo cáo doanh thu đạt 5,9 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng này bao gồm tăng trưởng doanh thu hơn 88% của phân khúc EESC và 33% trong lĩnh vực máy tính và đồ họa.
Thu nhập ròng không tính theo GAAP cũng tăng cao hơn 148% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 1,6 tỷ USD do công ty hạn chế tăng trưởng chi phí ở mức 44%. Tăng trưởng này cũng sẽ tiếp tục; công ty dự báo doanh thu sẽ đạt khoảng 26,3 tỷ USD trong năm 2022, tăng hơn 60% so với năm 2021.
Thật không may, những tăng trưởng này đã không giúp cổ phiếu thoát khỏi tình trạng bán tháo gần đây: cổ phiếu AMD hiện đã giảm 40% so với mức đỉnh 52 tuần. Nhưng sụt giảm đó đã khiến hệ số P/E của AMD giảm xuống còn 39 lần, thấp hơn mức 53 lần của Nvidia. So sánh mức định giá đó với tăng trưởng doanh thu, nhiều nhà đầu tư có thể cân nhắc mua cổ phiếu AMD ở thời điểm hiện tại.
Kế hoạch trở lại của Intel
Là một công ty hàng đầu trong ngành từ lâu, Intel đã phải vật lộn với những thất bại của ban lãnh đạo và mất đi lợi thế công nghệ của mình. Những khó khăn này nghiêm trọng đến mức nhà sản xuất chip với lịch sử lâu đời tự sản xuất chip của mình bắt đầu chuyển sang thuê ngoài công ty đúc chip lớn nhất thế giới Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSM), hay còn được gọi là TSMC.
Tuy nhiên, Intel đã thay đổi hướng đi khi CEO hiện tại ngồi lên ghế nóng vào tháng 2 năm 2021. Ông đã thành lập Intel Foundry Services để biến công ty mình thành đối thủ cạnh tranh của TSMC và Samsung. Để hỗ trợ mảng kinh doanh này, ông đã bắt đầu một chiến dịch xây dựng tích cực, đầu tư 40 tỷ USD tại Mỹ và 80 tỷ EUR tại châu Âu để mở rộng năng lực sản xuất.
Gelsinger cũng muốn giành lại cho Intel vị trí dẫn đầu về mặt kỹ thuật. Ông đã đặt mục tiêu sản xuất chip 7nm vào năm tới và vượt qua TSMC sớm nhất là vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, chu kỳ phát triển chip thường mất từ ba đến năm năm. Vì vậy, Intel còn rất nhiều điều phải chứng minh về khả năng đạt được các mục tiêu phát triển của mình.
Hơn nữa, những mục tiêu này có thể gây áp lực lên nguồn tài chính đang gặp khó khăn của công ty. Doanh thu Q1/2022 đã đạt 18,4 tỷ USD. Mặc dù điều đó vẫn đồng nghĩa với việc Intel là nhà sản xuất chip lớn thứ hai sau Samsung, doanh thu của ông lớn CPU đã giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Intel cũng báo cáo thu nhập không tính theo GAAP đạt 3,6 tỷ USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng gia tăng và các khoản chi phí cao hơn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của công ty.
Bên cạnh đó, do dự báo doanh thu năm 2022 ở mức 76 tỷ USD chỉ tương đương với tăng trưởng khoảng 1%, có lẽ việc giá cổ phiếu giảm hơn 20% so với năm ngoái không có gì đáng ngạc nhiên.
Tuy nhiên, những điều kiện này đã đẩy hệ số P/E của Intel xuống chỉ còn 8 lần, hệ số giá trên thu nhập thấp nhất trong số các công ty lớn trong ngành. Nếu Intel có thể đạt được hầu hết các mục tiêu của mình, công ty có vẻ sẽ được định vị tốt cho một sự hồi sinh một ngày nào đó.
Vậy, AMD hay Intel?
Với tình hình hiện tại, AMD có vẻ là một lựa chon mua tốt hơn. Đúng là cổ phiếu này đắt hơn đáng kể, nhưng không giống như Intel, họ có tốc độ tăng trưởng cao để đẩy cổ phiếu lên cao hơn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nên xem xét lại câu hỏi này trong các quý tới. Các chu kỳ phát triển chip mất nhiều thời gian hơn so với khoảng thời gian 15 tháng từ lúc Gelsinger bắt đầu đảm nhiệm cương vị CEO của Intel; vì vậy, vẫn chưa thể nhận xét gì về chiến lược của ông. Nhưng nếu Intel cho thấy họ có thể đạt được các mục tiêu trên phương diện doanh thu và công nghệ, ông lớn này sẽ có thể biến trở lại thành cổ phiếu bán dẫn được lựa chọn.
Website được phát triển bởi CÔNG TY TNHH MTV PIPSCOLLECTOR và là chuyên trang phi lợi nhuận dành cho mọi nhà đầu tư Việt.
© 2023, All rights reserved.
Địa chỉ: Văn phòng 2, Tầng 8, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam