Năm lý do để mua Alphabet trước khi cổ phiếu phân tách
Alphabet, công ty mẹ của Google, sẽ phân tách cổ phiếu vào tháng 7 và có nhiều lý do để cho rằng cổ phiếu đang bị định giá thấp.
Đúng là việc phân tách cổ phiếu không làm thay đổi giá trị nội tại của bất kỳ công ty hoặc cổ phiếu nào. Tuy nhiên, tính thanh khoản cao hơn đi kèm với mệnh giá nhỏ hơn trên mỗi cổ phiếu sẽ có thể thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà giao dịch cá nhân nhỏ hơn. Do đó, mua cổ phiếu trước khi phân tách có thể mang lại cho bạn một số lợi nhuận trong ngắn hạn. Xét cho cùng, những cổ phiếu công nghệ hàng đầu đã phân tách cổ phiếu của họ trong những năm gần đây thường có hiệu suất tốt sau các sự kiện đó.
Nhưng như đã nói ở trên, phân tách cổ phiếu không làm thay đổi giá trị nội tại của cổ phiếu đó. Vì vậy, chỉ riêng việc phân tách là không đủ lý do để mua một cổ phiếu cho dài hạn.
Mặc dù vậy, nếu bạn nghĩ một cổ phiếu đang có định giá thấp trước khi phân tách dựa trên triển vọng kinh doanh của công ty đằng sau nó, thì bằng mọi cách, hãy mua cổ phiếu trước khi phân tách.
Dưới đây là 5 lý do cổ phiếu Alphabet (GOOG) (GOOGL) đang bị định giá thấp và là cổ phiếu đáng mua hàng đầu chỉ vài tháng trước đợt phân tách 20 ăn 1 sắp diễn ra vào tháng 7.
1. Google gần như độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm internet với tăng trưởng cao
Alphabet có thể có hoạt động kinh doanh tốt nhất từng được tạo ra với công cụ tìm kiếm Google của họ. Khoảng 20 năm trước, Google đã tự khẳng định mình là công cụ tìm kiếm thống trị trên thế giới với sự hỗ trợ từ các hiệu ứng mạng lưới mạnh mẽ. Càng nhiều người sử dụng công cụ tìm kiếm của mình thì Google càng có thể mở rộng quy mô, thu thập dữ liệu và đầu tư trở lại vào các thuật toán để làm cho công cụ trở nên tốt hơn. Công cụ tốt hơn sẽ quay trở lại thu hút nhiều người dùng hơn. Và vòng lặp này đã tiếp tục trên quy mô toàn cầu, biến Google thành một công ty ít thâm dụng vốn và có lợi nhuận cực kỳ khổng lồ.
Vì công cụ tìm kiếm Google đã thống trị thế giới trong một thời gian dài, một số người có thể đang nghĩ rằng công ty đã là một doanh nghiệp trưởng thành. Nhưng doanh thu từ quảng cáo đi kèm kết quả tìm kiếm đã cho thấy bức tranh hoàn toàn ngược lại, tăng vọt đến 43% vào năm ngoái. Với kết quả này, Google đã tăng trưởng nhanh hơn thị trường quảng cáo kỹ thuật số trên tổng thể. Zenith ước tính toàn thể thị trường đã đạt mức tăng trưởng khoảng 25% vào năm ngoái. Mặc dù một phần trong số đó là sự phục hồi từ kết quả èo uột trong đại dịch, lĩnh vực kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số cũng được ước tính sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ 14-16% trong năm nay và khoảng 10% trong 2 năm tiếp theo.
Google hoàn toàn có khả năng tăng trưởng nhanh hơn thị trường quảng cáo kỹ thuật số một lần nữa trong năm nay và những năm về sau. Rốt cuộc thì những thay đổi đối với hệ điều hành iOS được triển khai vào năm 2021 sẽ khiến việc nhắm mục tiêu quảng cáo trở nên khó khăn hơn đối với các công ty mạng xã hội. Tình trạng này đã giúp Google thu hút được nhiều quảng cáo hơn bắt đầu từ cuối năm ngoái. Lý do là nền tảng tìm kiếm của công ty không yêu cầu nhiều dữ liệu bên thứ ba vì mọi người tình nguyện cung cấp những gì họ đang tìm kiếm.
Và hoạt động kinh doanh trên YouTube của Google cũng được hưởng lợi từ hoạt động tìm kiếm tự nguyện. Điều này cũng sẽ dẫn đến tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc quảng cáo video nhỏ hơn. Nhìn chung, đế chế quảng cáo kỹ thuật số của Alphabet trên các mạng tìm kiếm, YouTube và các đối tác mạng lưới bên thứ ba vẫn đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
2. Google Cloud
Ngành kinh doanh duy nhất có thể tốt hơn quảng cáo trên công cụ tìm kiếm là cơ sở hạ tầng đám mây dành cho doanh nghiệp, vốn chỉ bị thống trị bởi một vài ông lớn công nghệ. Đó là bởi vì chỉ những ông lớn này mới có đủ nguồn lực tài chính và kỹ thuật để cung cấp các dịch vụ đám mây doanh nghiệp an toàn trên toàn cầu bên ngoài Trung Quốc.
Kết hợp với bản chất độc quyền hấp dẫn này, thị trường cơ sở hạ tầng đám mây cũng có một trong những triển vọng tăng trưởng hứa hẹn nhất hiện nay. Công ty nghiên cứu IDC đã dự báo mức tăng trưởng hàng năm lên đến 28,8% cho các doanh nghiệp cơ sở hạ tầng và “nền tảng như một dịch vụ” từ nay đến năm 2025.
Ba nhà cung cấp đám mây hàng đầu – Alphabet đứng thứ ba sau Amazon (AMZN) và Microsoft (MSFT) – thậm chí còn tăng trưởng nhanh hơn thế và đang củng cố thị phần của họ. Về phần mình, Google Cloud Platform đã tạo ra tăng trưởng đến 47% trong năm 2021, vượt trội so với toàn ngành.
Vì Google Cloud tham gia muộn vào thị trường điện toán đám mây nên bộ phận này của Alphabet vẫn đang thua lỗ. Tuy nhiên, bộ phận này cũng đang mở rộng quy mô với tăng trưởng mạnh mẽ của mình; lỗ hoạt động đã thu hẹp rất nhiều vào năm ngoái, từ mức 5,6 tỷ USD của năm 2020 xuống còn 3,1 tỷ USD vào năm 2021. Trong số 6,1 tỷ USD doanh thu gia tăng, khoảng 2,5 tỷ USD – tương đương 41% – đã được chuyển thành lợi nhuận. Nếu Google Cloud tiếp tục mở rộng quy mô một cách hiệu quả, bộ phận này có thể là một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận rất lớn của công ty trong tương lai không xa, giống như những dịch vụ đã đi trước trong không gian này.
3. Other Bets, nghiên cứu đột phá, mua bán sáp nhập
Mặc dù Alphabet có khởi đầu muộn trong lĩnh vực điện toán đám mây nhưng có một lý do có thể khiến các công ty chọn Cloud của Google thay vì các dịch vụ khác: các công cụ tiên tiến và độc đáo của nó. Alphabet đã đầu tư rất nhiều vào trí tuệ nhân tạo trên toàn bộ nền tảng của mình, không chỉ cho công cụ tìm kiếm và dịch vụ đám mây mà còn trong phân khúc Other Bets – một danh mục các khoản đầu tư có rủi ro cao, lợi nhuận lớn trong công nghệ tiên tiến. Các chương trình này bao gồm nhiều lĩnh vực như ô tô tự lái, đổi mới dựa trên dữ liệu trong khoa học đời sống và thậm chí cả điện toán lượng tử.
Alphabet cũng sẵn sàng thực hiện các thương vụ sáp nhập với các công nghệ quan trọng. Trong những năm gần đây, họ đã mua lại công ty theo dõi sức khỏe Fitbit và vừa đồng ý mua lại công ty an ninh mạng Mandiant với giá 5,4 tỷ USD, cùng một số công ty khác.
May mắn thay, hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi của Alphabet có lợi nhuận nhiều đến mức công ty có đủ khả năng thuê các kỹ sư hàng đầu về khoa học tiên tiến, thực hiện các thương vụ mua lại và đặt cược vào các xu hướng công nghệ dài hạn. Cam kết cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong tương lai không chỉ làm phong phú thêm các dịch vụ hiện tại mà còn đặt nền tảng cho những đột phá trong tương lai của công ty.
4. Alphabet cũng đang hoàn lại nhiều tiền mặt hơn cho các cổ đông
Cam kết đối với R&D đó từng khiến Alphabet nổi tiếng là người chi tiêu “hoang phí” trong mắt những người hoài nghi. Những người này cho rằng công ty đang ném tiền vào các dự án kinh doanh “trên trời”. Nhưng vào năm 2015, Sundar Pichai đã tiếp quản vị trí CEO từ Larry Page, và Ruth Porat, cựu CFO của ngân hàng Phố Wall Morgan Stanley, đã trở thành CFO của Alphabet.
Vài năm sau khi Porat lên nắm quyền, Alphabet đã thể hiện nhiều kỷ luật tài chính hơn và sẵn sàng trả lại lợi nhuận cho cổ đông dưới hình thức mua lại cổ phiếu. Kể từ năm 2018, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của công ty đã liên tục giảm xuống, làm tăng tỷ lệ sở hữu của các cổ đông còn lại trong hoạt động kinh doanh của Alphabet:
Giá cổ phiếu và số lượng cổ phiếu đang lưu hành sau pha loãng trung bình hàng quý của Alphabet. Dữ liệu theo YCharts.
Alphabet dĩ nhiên đang tạo ra nhiều lợi nhuận đến mức vẫn có vị thế tiền mặt lành mạnh, đạt khoảng 140 tỷ USD vào cuối năm 2021. Các hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi của công ty vẫn tốt đến mức các cổ đông cũng có thể bỏ túi một phần của miếng bánh bất kể các chương trình chi tiêu khổng lồ của công ty cho các hoạt động kinh doanh khác.
5. Định giá rẻ
Cho dù là do mệnh giá cao của mỗi cổ phiếu hay do sự hiểu nhầm về các bộ phận khác nhau của công ty, Alphabet dường như có định giá khá thấp. Hiện tại, cổ phiếu Alphabet chỉ giao dịch ở mức giá thấp hơn 25 lần thu nhập ước tính cho năm nay. Đó có vẻ là một mức định giá rất hợp lý cho một công ty đã tạo ra tăng trưởng doanh thu 41% và tăng trưởng lợi nhuận hoạt động 91% trong năm 2021.
Nhưng hãy nhớ rằng thu nhập của Alphabet hiện đang bị kìm hãm bởi các khoản lỗ tại Google Cloud và Other Bets. Năm ngoái, tổng số lỗ của Cloud và Other Bets đã tăng lên gần 8,4 tỷ USD, khiến thu nhập hoạt động của Alphabet giảm gần 10%. Nếu bạn nghĩ rằng Cloud và Other Bets có bất kỳ giá trị tích cực nào thì tức là bạn đang mua mảng kinh doanh quảng cáo cốt lõi với mức bội số định giá thậm chí còn thấp hơn nữa.
So với các cổ phiếu phần mềm thua lỗ nhưng có tốc độ tăng trưởng cao đang tăng trưởng với tốc độ tương tự, cổ phiếu Alphabet trông rất rẻ. Đó là lý do tại sao nhà đầu tư không nên e ngại mua cổ phiếu trước đợt phân tách vào tháng 7 này.
Website được phát triển bởi CÔNG TY TNHH MTV PIPSCOLLECTOR và là chuyên trang phi lợi nhuận dành cho mọi nhà đầu tư Việt.
© 2023, All rights reserved.
Địa chỉ: Văn phòng 2, Tầng 8, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam