Pfizer lấn sân mảng chỉnh sửa gen
Trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ, Pfizer (PFE) có thể là thương hiệu vaccine COVID-19 nổi tiếng nhất, nhưng thành công này một phần là nhờ vào sự hợp tác của hãng với BioNTech (BNTX). Đó chính là lý do tại sao hai công ty gần đây tuyên bố rằng họ đang mở rộng quan hệ đối tác để tạo ra nhiều loại vaccine mRNA hơn.
Nhưng đó không phải là tất cả những gì Pfizer dự tính cho năm 2022. Công ty cũng đã công bố thỏa thuận với Codex DNA để cải thiện sản lượng vaccine và thỏa thuận trị giá 1,3 tỷ USD với công ty công nghệ sinh học Beam Therapeutics (BEAM) về mảng chỉnh sửa gen, như được trình bày tại hội nghị chăm sóc sức khỏe thường niên JPMorgan vào hôm thứ Hai.
“Chúng tôi thực sự tin rằng công nghệ mRNA rất hiệu quả. Tuy không phải là chén thánh, nhưng công nghệ này rất mạnh mẽ,” CEO Albert Bourla của Pfizer nói.
Và với kinh nghiệm mở rộng quy mô sản xuất để tạo ra hàng tỷ liều COVID-19 trên một nền tảng mới khắp toàn cầu trong suốt thời kỳ đại dịch, gã khổng lồ dược phẩm cho biết họ có bàn đạp rất tốt để duy trì vị thế dẫn đầu trong phân khúc này.
“Chúng tôi chỉ mới chạm đến bề mặt, và chúng tôi có vị thế tốt để tự tập trung năng lực sản xuất ra các loại thuốc mà thế giới cần,” ông Bourla cho biết.
Câu nói đó của vị CEO là muốn ám chỉ đến việc thành lập một trung tâm sản xuất dược phẩm mRNA ở Nam Phi thông qua quan hệ đối tác với Biovac Institute, mà điều này sẽ trở thành hiện thực trong năm nay.
Nhưng ngoài nền tảng mRNA, Pfizer còn tập trung vào công nghệ mới hơn như chỉnh sửa gen, theo ông Bourla.
Các thông báo trên được đưa ra khi Pfizer đang phải đối mặt với nguy cơ mất thế độc quyền đối với một số loại thuốc bán chạy nhất của họ vào năm 2025 và xa hơn về sau này, trong đó bao gồm Xeljanz, Eliquis, Ibrance và Xtandi. Bài toán đáng lo đó đã tiếp tục tạo áp lực đè nén lên cổ phiếu của công ty, ngay cả khi họ vẫn thu hút nhu cầu tiêu thụ vaccine covid toàn cầu nhiều nhất.
Trước các nhà đầu tư chứng khoán, ông Bourla phát biểu với tại hội nghị JPM hôm thứ Hai rằng: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang hoạch định chiến lược rất tốt đối với danh mục dược phẩm nội bộ của mình, tốt hơn những gì Phố Wall nghĩ”.
Đối với việc theo đuổi quan hệ đối tác với Beam Therapeutics, ông Bourla đang khai thác vào một phân khúc trị liệu đang tăng trưởng rất nhanh chóng. Công nghệ chỉnh sửa gen đang gây xôn xao trong lĩnh vực công nghệ sinh học, và ca thí nghiệm điển hình gần đây nhất đã xuất hiện vào hôm thứ Hai, với một quả tim heo đã được chỉnh sửa để cấy ghép vào con người.
Ông Bourla cho biết rằng thỏa thuận với Codex đóng một vai trò quan trọng trong cả lĩnh vực này và trong liên doanh mRNA. Điều này sẽ giúp cắt giảm đáng kể thời gian tổng hợp DNA, tức là thành phần quan trọng bậc nhất của mọi dự án mRNA. Chẳng hạn, loại vaccine hiện tại sẽ mất một tháng để tạo ra, và một phần ba thời gian đó là dành riêng cho khâu xây dựng khuôn mẫu DNA.
Albert Bourla, người nắm quyền điều hành Pfizer chỉ một năm trước đại dịch, đang tiếp tục theo đuổi tham vọng xây dựng loạt danh mục dược phẩm bền vững hơn thông qua con đường quan hệ đối tác, sáp nhập và mua lại. Khi tách UpJohn vào năm 2019, ông Bourla cho biết công ty đang chuyển hướng khỏi mảng thuốc gốc (generic) và sẽ trở thành một công ty sáng tạo đổi mới chặt chẽ hơn, tập trung hơn.
Nhưng vị lãnh đạo này đã nói rõ tại hội nghị JPM rằng ông không chỉ tìm kiếm các thương vụ giao dịch lớn.
“Tôi rất kỳ thị những thương vụ quy mô lớn. Tôi không muốn thực hiện một thỏa thuận mà điều duy nhất thỏa thuận đó mang lại là thổi giá lên khi hai bên sáp nhập lại. Vì vậy, … chúng tôi sẽ dành ba năm để đóng cửa các trung tâm nghiên cứu và đóng cửa các cơ sở sản xuất, và … để soi xét các khoản tiền mà chúng tôi đã trả cho các cổ đông của công ty kia. Điều đó là điều tôi không muốn làm,” ông thẳng thắn chia sẻ.
Ông Bourla còn nói thêm rằng ông không phải là người thích cắt giảm chi phí hay áp dụng kĩ thuật tài chính.
Qua bằng chứng từ đại dịch và ván cược đầy rủi ro vào một công nghệ vaccine mới cũng cho thấy cách ông Bourla dồn nguồn lực vào một công nghệ vaccine chưa từng được thử nghiệm trước đây. Nhưng Pfizer chỉ mới được thị trường tưởng thưởng cho thành công vaccine trong thời gian gần đây. Vậy họ đã phải đánh đổi những gì để tạo ra loại vaccine phổ biến nhất thế giới?
“Thực tế là chúng tôi đã tập trung làm việc không ngừng, phân bổ nguồn lực không có giới hạn và cắt bỏ hoàn toàn bộ máy hành chính rườm rà, và có những cuộc họp tổ chức cho cả bốn hoặc năm lớp quản lý cùng nhau,” ông Bourla phát biểu tại JPM.
Mặc dù quy trình làm việc như vậy khó có thể được sao chép cho mọi sản phẩm trong tương lai, nhưng chính tâm thức và lòng quyết tâm dồn nguồn lực phát triển chính là yếu tố then chốt.
“Pfizer, thông qua trải nghiệm từ đại dịch này, đã có thể tích lũy kinh nghiệm của cả một thập kỷ vào thành một năm,” ông Bourla chia sẻ. “Rất khó có công ty nào có thể lặp lại thành tích đó.”
Website được phát triển bởi CÔNG TY TNHH MTV PIPSCOLLECTOR và là chuyên trang phi lợi nhuận dành cho mọi nhà đầu tư Việt.
© 2023, All rights reserved.
Địa chỉ: Văn phòng 2, Tầng 8, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam