28/12/2021 - 4 lượt xem

Phố Wall tin Grab sẽ tăng mạnh

Các ngân hàng đầu tư như JPMorgan, Citi và công ty tư vấn ngân hàng đầu tư độc lập toàn cầu Evercore đã bắt đầu theo dõi đánh giá cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á Grab (GRAB), sau khi công ty này chào bán cổ phiếu công khai trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ vào hồi đầu tháng 12.


Grab ra mắt trên sàn Nasdaq sau một thỏa thuận với công ty “séc trắng” Altimeter Growth Corp., với mức định giá doanh nghiệp gần 40 tỷ USD. Họ đã trở thành công ty lớn nhất từ trước đến nay hoàn thành thương vụ sáp nhập SPAC và niêm yết cổ phiếu công khai.

Nhưng cổ phiếu này đã giảm hơn 20% trên thị trường chứng khoán Mỹ, từ mức 13,06 USD xuống còn 8,75 USD trong ngày giao dịch đầu tiên. Kể từ đó, cổ phiếu GRAB đã giảm thêm 16%.


Tuy nhiên, JPMorgan lại tỏ ý thích cổ phiếu này và cho biết công ty có “siêu ứng dụng đạt ưu thế vượt trội trong khu vực” và còn nhiều cơ hội để “tăng trưởng trong nhiều năm nữa”. Ngân hàng đầu tư này cho biết Grab giành được vị trí dẫn đầu ở khu vực Đông Nam Á là nhờ họ sở hữu một nền tảng mang tính nội địa hóa và có khả năng mở rộng quy mô rất hiệu quả, đồng thời còn được củng cố bởi công nghệ độc quyền.


“Về mặt cơ cấu, nền tảng này cho phép Grab cung cấp dịch vụ của mình với chi phí thấp hơn so với các công ty cùng ngành, với tỷ lệ duy trì khách hàng cao hơn,” các nhà phân tích của JPMorgan nhận định trong bản phân tích theo dõi vào đầu tháng này. “Nền tảng của Grab mang lại cho họ lợi thế lớn hơn so với những công ty cùng ngành vốn có sự hiện diện ít ỏi ở các khu vực địa lý nhất định và/hoặc so với những công ty có ít dịch vụ hơn, vì Grab có thể phân bổ dòng tiền giữa các quốc gia và các mảng dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng.”


Dưới đây là ý kiến đánh giá và mức giá mục tiêu do JPMorgan, Citi và Evercore đưa ra cho Grab, và lý do tại sao họ lại ưa thích cổ phiếu này.


JP Morgan


JPMorgan đã bắt đầu theo dõi đánh giá cổ phiếu Grab với mức xếp hạng “Nên tăng tỷ trọng” và mức giá mục tiêu là 12,50 USD trong 12 tháng tới, ngụ ý tiềm năng tăng trưởng hơn 70% so với giá đóng cửa ngày 23/12 tại mức 7,35 USD.

Dựa trên hệ thống xếp hạng của ngân hàng đầu tư này, mức “Nên tăng tỷ trọng” có nghĩa là JPMorgan kỳ vọng cổ phiếu Grab sẽ tăng trưởng tốt hơn thị trường chứng khoán nói chung trong vòng 6 đến 12 tháng tới.


Các nhà phân tích cho biết siêu ứng dụng thống trị khu vực của Grab, trong đó bao gồm nhiều dịch vụ tích hợp chung như đặt xe và giao đồ ăn, là “công cụ phục vụ tốt nhất cho làn sóng gia tăng nhu cầu tiêu dùng trực tuyến” ở Đông Nam Á. Họ cho biết tổng giá trị hàng hóa (GMV) và tăng trưởng doanh thu chính là các yếu tố thúc đẩy chủ đạo cho công ty này và họ nhận thấy Grab có “cơ hội rất lớn để tăng trưởng trong nhiều năm tới”.


Tổng giá trị hàng hóa (GMV) là một đại lượng thường được sử dụng trong ngành thương mại điện tử để đo lường tổng giá trị hàng hóa (tính theo đơn vị tiền tệ) được bán ra trong một khoảng thời gian nhất định.

JPMorgan cho biết Grab là công ty đi đầu trong lĩnh vực đặt xe trên toàn Đông Nam Á và vị thế đó có thể giúp họ kinh doanh dịch vụ di chuyển với mức lãi cao tại một khu vực nếu dỡ bỏ các quy định hạn chế để chống dịch Covid và mở cửa kinh tế rộng rãi thì có thể thúc đẩy tăng trưởng rất tốt.


Mặc dù mảng kinh doanh giao hàng của công ty này chỉ mới chớm nở ở giai đoạn phát triển ban đầu, nhưng JPMorgan cho biết họ vẫn có tiềm năng tăng trưởng do thị trường giao hàng thực phẩm và hàng tạp hóa có tổng khối lượng rất lớn tuy có hơi phân mảnh. Song, ngân hàng này cho rằng Grab có thể sẽ lỗ trong thời gian tới và trong trung hạn do công ty phải mạnh tay chi ra các khoản đầu tư và cạnh tranh giành lấy thị phần.


Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng giá cổ phiếu Grab có thể biến động trong vòng sáu tháng tới khi loạt cổ phiếu chuyển nhượng tự do tăng lên vì số cổ phiếu này sẽ được giải phóng ra thị trường chứng khoán sau khi hết thời hạn bị khóa. JPMorgan cho biết việc Grab có cơ hội được đưa vào nhóm các chỉ số MSCI cũng có thể góp phần gây ra biến động giá.


Citi


Citi đã bắt đầu theo dõi đánh giá cổ phiếu Grab với mức xếp hạng “Nên mua” và đặt mức giá mục tiêu là 12 USD/cổ phiếu, nhưng họ cũng lưu ý rằng cổ phiếu này có mức rủi ro cao.


Các nhà phân tích của Citi cho biết, khi so với các công ty cùng ngành trong khu vực, Grab được hưởng lợi nhờ có khả năng thu thập dữ liệu người tiêu dùng ở mức khối lượng lớn hơn do tần suất giao hàng và nhu cầu di chuyển cao hơn so với các dịch vụ như thương mại điện tử. Họ nói thêm rằng điều đó giúp cho Grab dễ dàng bán chéo các sản phẩm dịch vụ tài chính của mình hơn.


Các nhà phân tích chỉ ra rằng Grab có “sự hiện diện rộng khắp hơn ở nhiều khu vực địa lý với sức mạnh đồng đều hơn trong… nhóm các quốc gia Đông Nam Á mà công ty này đang tổ chức hoạt động,” so với đối thủ GoTo Group của Indonesia.


Tuy nhiên, Citi cho biết, mức chi tiêu trên mỗi giao dịch và trên mỗi người dùng của Grab thấp hơn so với các đối thủ khác trong khu vực như Sea, công ty mẹ chuyên vận hành nền tảng thương mại điện tử Shopee. Điều đó có nghĩa là Grab sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu các ca nhiễm Covid trong khu vực tăng trở lại, buộc các nước phải áp đặt lệnh phong tỏa và các quy định hạn chế di chuyển lần nữa.


Các nhà phân tích của Citi cho biết: “Grab cũng thiếu mảng kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận cao như mảng trò chơi và thiếu khả năng tiếp cận toàn cầu do chỉ tập trung vào Đông Nam Á”.




Evercore


Evercore đã bắt đầu theo dõi đánh giá Grab với mức xếp hạng “Vượt trội” và đặt mức giá mục tiêu là 10 USD.


Công ty này cho biết mảng kinh doanh giao hàng của Grab có thể sẽ phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh cấp địa phương tại mỗi thị trường, nhiều hơn so với mảng gọi xe, một sân chơi vốn chỉ có công ty quốc tế duy nhất đang chạy đua với họ là Gojek của Tập đoàn GoTo, đặc biệt là ở Indonesia.


Các nhà phân tích của Evercore cho biết: “Trong phân khúc Giao hàng, Grab sẽ phải đối mặt với sức nóng cạnh tranh nhiều hơn tại các khu vực địa lý quan trọng nhất”. Họ phải đối đầu trước những cái tên như Foodpanda, Gojek và Deliveroo ở Singapore, LineMan ở Thái Lan cũng như Now và Baemin ở Việt Nam.


“Cuối cùng, Grab còn phải cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần chặng cuối như Gojek và Lalamove, và nhiều đối thủ cấp địa phương khác như AhaMove (Việt Nam),” các nhà phân tích cho biết.


Trong mảng kinh doanh dịch vụ tài chính, Grab phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các đối thủ truyền thống, đơn cử như các công ty thẻ tín dụng, ngân hàng hay các dịch vụ cầm đồ, cho vay tiền mặt, vì đó vốn vẫn là các kênh thanh toán phổ biến ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Evercore cho biết hầu hết các mảng kinh doanh cốt lõi của Grab bao gồm giao hàng, dịch vụ di chuyển và dịch vụ tài chính vẫn chưa được khai thác trọn vẹn, và điều này cho phép họ “có dư địa tăng trưởng rất lớn”.


Không bỏ lỡ bài viết hay mỗi tuần!

Để lại thông tin, Tạp chí Trading sẽ cập nhật cho bạn các bài viết tương tự nhanh nhất qua email!

Website được phát triển bởi CÔNG TY TNHH MTV PIPSCOLLECTOR và là chuyên trang phi lợi nhuận dành cho mọi nhà đầu tư Việt.

© 2023, All rights reserved.

Địa chỉ: Văn phòng 2, Tầng 8, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Follow Us

Email:tapchitrading.app@gmail.com

Được bảo trợ bởi:

Example Image
DMCA.com Protection Status