Triển vọng lợi nhuận kém trong quý sau, Cisco giảm sâu 16%
Khối công nghệ lại bị giáng thêm một đòn nặng nề nữa khi Cisco Systems (CSCO, –4,43%) công bố kết quả báo cáo tài chính đáng thất vọng vào cuối ngày thứ Tư và vạch kế hoạch kinh doanh kém hơn mong đợi. Cổ phiếu của nhà cung cấp phần cứng mạng bị giảm sâu trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Cisco biện giải về việc vạch chỉ tiêu thấp và đạt kết quả kinh doanh yếu kém là vì ảnh hưởng từ các động thái phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraina, đồng thời khẳng định rằng các vấn đề của họ chỉ xoay quanh câu chuyện nguồn cung chứ không phải nhu cầu.
Trong quý tài chính thứ ba kết thúc vào ngày 30/04, Cisco công bố doanh thu 12,8 tỷ USD, không đổi so với một năm trước, thấp hơn so với mức dự báo tăng trưởng từ 3% đến 5% do chính công ty đề ra. Phố Wall có mức ước tính trung bình đối với doanh thu là 13,4 tỷ USD, tương ứng với mức tăng dự kiến là 4,4%. Lợi nhuận non-GAAP là 87 cent/cổ phiếu, đạt mức cao nhất trong phạm vi chỉ tiêu 85 đến 87 cent và cao hơn 1 cent so với dự báo của các nhà phân tích.
Nhưng kế hoạch của công ty cho quý tài chính tính đến tháng 7 lại gây thất vọng cho các nhà đầu tư chứng khoán. Cisco dự báo doanh thu trong quý này sẽ giảm từ 1% đến 5,5%, trong khi Phố Wall dự kiến tăng gần 6%. Cisco ước tính lợi nhuận non-GAAP là từ 76 cent đến 84 cent/cổ phiếu, thấp hơn mức ước tính chung của Phố Wall là 92 cent. Cisco dự báo biên lợi nhuận gộp non-GAAP trong quý sẽ đạt từ 64% đến 65%.
CEO Chuck Robbins cho biết trong cuộc họp của công ty với các nhà phân tích rằng vấn đề lớn nhất mà Cisco đang phải đối mặt trong quý là không thể có đủ nguồn cung cấp điện từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu phần cứng của khách hàng. Ông còn nói rằng Cisco khó có thể bắt kịp trong quý tài chính tính đến tháng 7.
Ông Robbins lưu ý rằng vấn đề về nguồn cung cấp điện đặc biệt rất nghiêm trọng vào tháng 4, mà điều này sẽ giải thích một phần lý do tại sao Cisco dường như lại bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các công ty phần cứng khác khi Trung Quốc phong tỏa.
Cisco hiện dự báo mức tăng trưởng doanh thu cả năm tài chính từ 2% đến 3%, thấp hơn so với phạm vi dự báo trước đó là 5,5% tới 6,5%. Lợi nhuận toàn năm non-GAAP hiện được dự đoán ở mức từ 3,29 USD đến 3,37 USD một cổ phiếu, giảm so với chỉ tiêu trước đó là 3,31 USD đến 3,56 USD một cổ phiếu.
“Chúng tôi tiếp tục nhận thấy rằng nhu cầu của khách hàng đối với kỹ thuật công nghệ của công ty và quá trình chuyển đổi kinh doanh của chúng tôi đang tiến triển tốt,” ông Robbins cho biết trong bản thông cáo báo chí về kết quả BCTC của công ty. “Mặc dù các vụ phong tỏa để chống Covid ở Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraina đã ảnh hưởng đến doanh thu của chúng tôi trong quý, nhưng các động lực cơ bản trong hoạt động kinh doanh của chúng tôi vẫn mạnh mẽ và chúng tôi vẫn tự tin về dài hạn.”
Cisco cho biết tổng mức tăng trưởng đơn đặt hàng sản phẩm đã tăng 8% so với năm ngoái, với số lượng đơn đặt hàng thương mại tăng 19% và đơn đặt hàng đám mây “webscale” tăng hơn 50%, chung quy đã giảm so với tốc độ tăng trưởng từ 31% đến 33% trong ba quý vừa qua.
Công ty lưu ý rằng các đơn đặt hàng webscale trong 12 tháng trước đã tăng hơn 100%. Đơn đặt hàng từ khối doanh nghiệp trong quý đã không đổi so với một năm trước. Cisco báo cáo lượng đơn hàng chờ giải quyết vào cuối quý là hơn 15 tỷ USD, tăng hơn 130% so với một năm trước.
Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc tài chính Scott Herren của Cisco nhấn mạnh rằng kế hoạch cả năm của công ty bị hạ xuống là do hoàn toàn chịu tác động từ phía nguồn cung. “Chúng tôi không hề nhận thấy nhu cầu bị suy yếu,” ông nói. Ông Herren lưu ý rằng chỉ có quý vừa rồi số lượng đơn đặt hàng từ các khách hàng doanh nghiệp mới không đổi, trong khi trước đó mức tăng trưởng đạt 37% trong quý tài chính tính đến tháng 1 và 30% trong quý liền trước đó. Theo vị lãnh đạo này, mặc dù các đơn đặt hàng từ khối doanh nghiệp có xu hướng “bấp bênh”, nhưng công ty không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào về việc suy giảm nhu cầu.
Cisco lưu ý rằng doanh thu sản phẩm đã tăng 3% trong quý, còn doanh thu dịch vụ giảm 8%. Trong khi doanh thu tăng 5% ở thị trường châu Mỹ, thì doanh thu ở khu vực EMEA (châu Âu, Trung Đông và châu Phi) giảm 6% và khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng giảm 6%.
Công ty cho biết quyết định ngừng hoạt động gần đây ở Nga và Belarus để phản ứng với cuộc chiến ở Ukraina đã làm giảm doanh thu khoảng 200 triệu USD trong quý. Cisco cho biết Nga, Belarus và Ukraina từng chiếm khoảng 1% doanh thu của họ trong thời gian trước đây.
Biên lợi nhuận gộp trong quý đạt mức 63,3%, giảm nhẹ so với mức 63,9% của một năm trước theo các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP), trong khi biên lợi nhuận gộp non-GAAP là 65,3%, giảm từ 66,0%. Biên lợi nhuận gộp cao hơn một chút so với dự đoán của công ty. Chi phí hoạt động trong quý giảm 5% trên cơ sở non-GAAP.
Ông Herren lưu ý rằng công ty đã tính đến ảnh hưởng từ bài toán thiếu linh kiện khi đưa ra kế hoạch ban đầu cho quý tài chính tháng 4, nhưng vấn đề về nguồn cung cấp điện lại phát sinh bất ngờ. Ông lưu ý rằng công ty sử dụng hơn 41.000 loại linh kiện riêng lẻ trong các sản phẩm của họ, và hiện tại công ty“đang săn mua” khoảng 350 loại linh kiện.
Cisco cho biết họ đã mua lại khoảng 252 triệu USD cổ phiếu phổ thông trong quý này. Công ty còn lại 17,6 tỷ USD trong gói ủy quyền mua lại cổ phiếu ở thời điểm hiện tại.
Trong phiên giao dịch ngoài giờ, cổ phiếu Cisco đã giảm khoảng 13%. Cổ phiếu của các công ty mạng đối thủ như Ciena (CIEN, –4,62% ), Juniper Networks (JNPR) và Arista Networks (ANET, –4,47%) cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch ngoài giờ.
Website được phát triển bởi CÔNG TY TNHH MTV PIPSCOLLECTOR và là chuyên trang phi lợi nhuận dành cho mọi nhà đầu tư Việt.
© 2023, All rights reserved.
Địa chỉ: Văn phòng 2, Tầng 8, Tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam